VỢ CHỒNG A PHỦ | “Mị đứng lặng trong bóng tối…”

Ngày 12/03/2021 14:25:29, lượt xem: 16178

“Sống đến đâu, viết đến đấy - Tô Hoài, một đời cần cù đi và viết chưa nào ngừng nghỉ…”

“Văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng.” (CharlesDuBos) và “khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác.” Và, trong chuyến đi thực tế năm ấy (1952), Tô Hoài đã “thu về” tập truyện Tây Bắc mà linh hồn là “Vợ Chồng A Phủ.” Đúng là “không có câu chuyện nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra.”

Từ nơi địa đầu Tổ Quốc, Tô Hoài đã cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với người dân nơi đây để “nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ” (Nguyễn Minh Châu). Không ai khác, chính là Mị - một cô gái xinh đẹp tuyệt trần thế nhưng bị xã hội ngoài kia đọa đày đau khổ, không lối thoát…

Đối với mỗi nhà văn, việc để “đứa con” của mình xuất hiện trước độc giả như thế nào là điều vô cùng quan trọng. Nếu như Nam Cao, chọn cách ném Chí Phèo lên giữa trang sách để hắn xuất hiện cùng tiếng chửi, cơn say, hay Kim Lân đã chọn “tiếng ho húng hắng” để làm dấu hiệu nhận biết cho bà cụ Tứ thì Tô Hoài, ông đã mở đầu bằng cách giới thiệu nhân vật Mị ở trong cảnh tình đầy nghịch lý và cuốn hút độc giả với một đoạn văn trữ tình ngoại đề: “Ai ở xa về, có dịp vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa.”

Ngay từ nhỏ, Mị đã mang tiếng là “con nhà nghèo.” Dù là vậy, nhưng ở Mị vẫn luôn ngời ngợi sắc xuân ở tuổi đôi mươi, mười tám. Cô “nổi tiếng” với vẻ đẹp khiến bao người si mê “ ngày đêm thổi sáo theo Mị” , cô như một bông hoa rực rỡ đầy hương sắc giữa núi rừng Tây Bắc. Không chỉ xinh đẹp, mà cô còn là người tài sắc vẹn toàn với tài thổi sáo, thổi đàn môi “Mị uốn chiếc là trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo”. Thế nhưng, đúng là “hồng nhan bạc phận”,trò đời là vậy... Từ khi Mị được sinh ra và lớn lên cô đã phải chịu món nợ đời : vì không đủ tiền cưới nhau, cha mẹ cô đã vay tiền của thống Lí Pá Tra, mỗi năm trả lãi bằng một nương ngô.” Và đương nhiên, không lẽ gì mà tên quỷ tha ma bắt ấy lại bỏ qua con mồi ngon như vậy. A Sử - con trai của hắn đã bày kế hèn bẩn bằng cách dùng tục bắt vợ của người Mèo và và cướp Mị đi một cách trắng trợn.

Cuộc đời làm dâu gạt nợ của Mị - đau khổ về cả thể xác lẫn tinh thần. Mị bị bóc lột sức lao động không khi nào ngừng nghỉ, danh nghĩa là con dâu nhà quan nhưng thực chất Mị là bề tôi tớ không công. Bất cứ lúc nào Mị cũng có thể bị đánh, bị trói một cách vô lý. Tết đến xuân về, lòng Mị cũng phơi phới như bao cô gái khác ở Hồng Ngài, và có ý định “cuốn khăn, mặc váy” để du xuân. Thế nhưng, tên A Sử hống hách lại trói đứng cô vào cột nhà. Từ nỗi đau về thể xác đã “hạ đòn” khiến tinh thần của cô sau khi bước chân vào nhà thống Lý - ai oán, xót thương. Cô gái trẻ trung, yêu đời, thích thổi sáo giờ đây chỉ là cỗ máy vô hồn, một công cụ lao động biết nói mà câm lặng. Lúc nào cũng lùi lũi trong xó cửa như kiếp con rùa, cúi mặt và buồn rười rượi, lặng câm như đá. Mị khao khát tự do, yêu tha thiết cuộc đời, thế nhưng những ngày tháng ở đây, Mị “sống không bằng chết” giữa căn buồng chật hẹp, trông ra “không biết là sương hay là nắng.”

…………………………………………………...

Sau đêm tình mùa xuân, Mị lại trở về với cuộc sống bình thường như một cái xác không hồn. Mùa đông ở Hồng Ngài dài và lạnh lắm, mọi người nói chung và Mị nói riêng thường giữ một thói quen khó bỏ chính là sưởi lửa mỗi đêm sau ngày dài lao động mệt nhọc. Với Mị, bếp lửa là người bạn, là tri âm, là tri kỷ, là thứ hiếm hoi mang tới cho Mị một nguồn sáng ấm áp, giúp Mị vượt qua sự lạnh giá, cô đơn trên rẻo cao này. Dù đã có nhiều lần, A Sử về và nhìn thấy Mị sưởi lửa, hắn đạp Mị ngã lăn nhưng Mị vẫn nhất quyết không bỏ thói quen này “Tối nào Mị cũng ra sưởi lửa”. Thế nhưng, bếp lửa hôm nay không chỉ có mình Mị, mà cô có thêm một người bạn “đồng hành nỗi khổ” - A Phủ. Gặp nhau” trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, Mị thản nhiên, thờ ơ vô cảm trước sự mệt mỏi của A Phủ. Khi chứng kiến tình cảnh của A Phủ, mấy hôm đầu Mị vô cảm, thờ ơ với hiện thực trước mắt: “A Phủ là cái xác chết đứng đó cũng thế thôi”. Bởi trong hoàn cảnh của Mị, cô gái này thực sự đã quá khổ để có thể đồng cảm với nỗi khổ của người khác, thậm chí, trái tim của Mị bây giờ còn mất hết những cảm xúc, chỉ còn một trái tim đóng băng, lạnh giá vô cùng . Thế nhưng, chẳng qua vì hoàn cảnh đưa đẩy, chứ thực chất trong Mị vẫn còn chút tình người, đặc biệt là khi Mị thấy “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen “ lại của A Phủ. Trái tim sắt đá đến đâu, khi nhìn thấy một người con trai khỏe mạnh, cứng rắn nay phải bật khóc trước số phận của mình, trước sự độc ác của tên thống Lý cũng phải mềm lòng mà thông cảm. Và giọt nước mắt kia là giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước. Nó đưa Mị từ cõi quên trở về với cõi nhớ… Tình người đã giúp Mị không sợ đánh đập, không sợ trói đứng và hơn cả là sự uy quyền của nhà thống Lý, cô quyết định cắt dây cởi trói cho A Phủ.

Khi gỡ được hết dây trói ở người A Phủ, Mị cũng hốt hoảng, lo sợ vì mình vừa “làm liều.” Mị đứng lặng im trong bóng tối, tâm trạng rối bời với những nét tâm lí ngổn ngang trăm mối: “Chạy theo A Phủ hay ở lại nơi ngục tù tăm tối này, chờ chết rũ xương…” Ngay lúc này, sức sống tiềm tàng trong Mị trỗi dậy, Mị khát khao sống tự do, Mị ước nguyện được sống với bản ngã của mình và hơn cả là Mị muốn sống một cuộc đời đáng sống.. Trời tối lắm nhưng Mị vẫn băng đi. Bước chân của Mị như đạp đổ uy quyền, thần quyền của bọn lãnh chúa phong kiến đương thời đã đè nặng tâm hồn Mị suốt bao nhiêu năm qua. Mị đuổi kịp A Phủ và cất tiếng nói sau ngần ấy năm câm nín: “A Phủ cho tôi theo với ở đây thì tôi chết mất.” Mị cứu A Phủ cũng đồng nghĩa với việc Mị tự cứu chính bản thân mình. “ Mị ít nhiều chưa biết đến cách mạng là gì? Nhưng ở Mị có lòng căm thù các thế lực tàn bạo đã gây ra tội ác, Mị ý thức được giá trị sự sống giá trị tự do của một con người và Mị thấy được cần phải phản kháng không thể chấp nhận số phận. Đó là con đường đến với cách mạng từ tự phát đến tự giác."

BÀI VIẾT THUỘC VỀ TEAM CHUYÊN MÔN - HỌC VĂN CHỊ HIÊN

-----------------------------------------------------

Để hiểu hơn về toàn bộ các tác giả cùng kiến thức tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 12 và nhiều thông tin bổ ích khác nữa hãy nhanh tay đọc thử SỔ TAY VĂN HỌC THƠSỔ TAY VĂN HỌC VĂN XUÔI và sở hữu ngay bộ sách TẠI ĐÂY em nhé!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan